Một số lưu ý để duy trì kinh doanh bán vé máy bay

20:42 09.11.2017

Bên cạnh những thủ tục và kinh nghiệm cần thiết để mở một đại lý bán vé máy bay, người bắt đầu kinh doanh vé máy bay cũng cần tìm hiểu cách duy trì hoạt động của đại lý.

Nhu cầu đi lại bằng Máy bay càng ngày càng nhiều, và trong tương lai máy bay dân sự sẽ càng ngày càng góp phần rút ngắn khoảng cách mọi nơi trên thế giới nói chung và ngay cả tại Việt Nam nói riêng cũng vậy. Do đó, điều tất yếu sẽ đến là có cầu sẽ có cung, nhưng những hãng máy bay sống được đa phần dựa trên doanh thu từ các Đại lý bán vé máy bay mang lại.

Đại lý vé máy bay thường có 2 cấp, cấp 1 tức là cấp cao nhất, xuất vé trực tiếp từ hãng. Cấp 2, là nhánh con của cấp cấp 1, xuất vé chủ yếu từ cấp 1. Cũng có cấp 3, nhưng không chính thức, đó là hình thức cộng tác viên.

Đại lý vé máy bay cấp 1 đòi hỏi rất lớn, ví dụ tại thời điểm hiện tại, năm 2013 muốn làm Đại lý cấp 1 của Vietnam Airlines bạn phải thế chân 1,2 đến 1,5 tỷ đồng, và còn bị áp đặt doanh số hàng tháng nữa. Cho nên không phải ai cũng là đại lý cấp 1 được. Ngoài ra muốn làm đại lý của các hãng khác cũng cần số tiền không nhỏ, từ vài trăm đến vài tỷ, thậm chí vài chục tỷ nếu làm đại lý của các hãng nước ngoài (thường các hãng nước ngoài ít có đại lý chính thức tại Việt Nam, cũng sẽ do bên thứ 2 là ngân hàng hoặc công ty tài chính nào đó đứng ra đảm bảo).

Đại lý vé máy bay cấp 2 thì đơn giản hơn, bạn có từ vài chục đến vài trăm triệu cũng có thể mở được. Trong đó bao gồm tiền thế chân cho đại lý cấp 1 từ 10-20 hoặc 30 triệu, nhiều hoặc ít hơn con số này. Số tiền này coi như nạp vào tài khoản trừ dần trong việc bạn xuất vé. Nhưng hãy cân nhắc kỹ thế mạnh của bạn trước khi mở phòng vé nhé. Tôi cũng liệt kê ra một số lợi thế cơ bản nếu bạn muốn mở phòng vé cấp 2 (làm đại lý của cấp 1).

Nhưng để duy trì một Đại lý vé máy bay (hoặc phòng vé máy bay) thì vừa khó lại vừa dễ.

Về nhân sự phòng vé

Thông thường, tất cả những người bắt đầu kinh doanh vé máy bay với tư cách đại lý cấp 2 đều tự kiêm nhiệm nhiều vị trí từ giám đốc, kế toán, giao nhận tới booker với mục đích tiết kiệm chi phí. Trong khoảng thời gian này sẽ rất áp lực và cực khổ song bù lại, bạn sẽ có được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để mở rộng đại lý trong tương lai.

Khi đại lý phát triển mạnh mẽ, bạn sẽ tìm thêm nhân sự và được rảnh rang đôi chút. Dù vậy, đây lại là giai đoạn vất vả về trí óc bởi bạn luôn phải suy nghĩ, đắn đo sao cho hoạt động kinh doanh vé máy bay của đại lý được ổn định và ngày càng đi lên.

Hơn nữa, bản chất của lĩnh vực kinh doanh vé máy bay là không có hiện vật, đôi khi cả loạt vé máy bay có giá trị từ vài triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng chỉ là một tờ giấy xác nhận hành trình, do vậy chủ đại lý cấp 2 phải tìm được người giao nhận, kế toán, booker vừa có trình độ, vừa có thể tin tưởng để giao phó. Chính vì thế mà đa phần đại lý kinh doanh vé máy bay đều tuyển nhân sự là người thân quen để giảm thiểu rủi ro.

Về nghiệp vụ bán vé

Trong thời gian đầu khi mới bắt đầu kinh doanh vé máy bay, khách hàng chủ yếu của đại lý cấp 2 chỉ gồm người thân, bạn bè,…. Lúc này, những gì không biết, không hiểu bạn có thể hỏi người có chuyên môn hoặc chuyên viên của đại lý cấp 1. Nhưng sau này, khi đã có một lượng khách nhất định, bạn không có nhiều thời gian để tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài nữa. vì thế bạn nên tranh thủ tìm hiểu về các hãng hàng không, nắm rõ điều kiện của những hãng bay trong nước.

Nếu bạn đã từng bán vé máy bay từ 1 năm trở lên, đây là lợi thế rất lớn, trong quá trình xuất vé, bạn rất dễ sai sót và khả năng đền vé cũng không nhỏ đâu. Cho nên kinh nghiệm bán chưa có thì nên đi học nhé, học bài bản đàng hoàng sẽ hỗ trợ tốt cho bạn. Còn việc bán vé bình thường khoảng 2-4 ngày là bán được.

Về mặt bằng phòng vé

Bạn đừng nghĩ rằng có trong tay vài trăm triệu là có thể làm đại lý cấp 2 được, việc mặt bằng kinh doanh khá quan trọng, nhưng nếu mặt bằng thuận lợi thì cũng đừng hy vọng vào việc bán vé máy bay cho khách lẻ hoặc khách vãng lai, hãy xác định bán vé cho nhóm đối tượng công ty có nhu cầu di chuyển nhiều. Và mặt bằng nếu bạn đi thuê ở những khu trung tâm thì coi như khả năng thành công của bạn đang rất phiêu lưu, giá thành sẽ rất cao. Cho nên, nếu mặt bằng là gia đình nhà bạn hoặc cần thuê được mặt bằng giá rất rẻ.

Đại lý vé máy bay cấp 2 có thể kinh doanh bán vé máy bay ngay tại nhà hoặc tranh thủ làm ở cơ quan. Đến khi có lượng khách nhất định, bạn nên tự lập một phòng vé nhỏ để tạo thương hiệu cho riêng mình. Đại lý cấp 2 cũng suy nghĩ đến việc thành lập công ty kinh doanh vé máy bay riêng để có lợi trong vấn đề hoá đơn.

Về nguồn khách hàng mua vé

Để duy trì hoạt động của phòng vé là bạn cần có khách hàng so với số lượng 400 vé / tháng, nhưng oái ăm là khách hàng lẻ rất hay dò giá, và luôn muốn giá rẻ nhất. Bạn phải biết cách chiều lòng khách hàng, cố gắng đừng để khách thất vọng và nên hướng khách hàng đến việc chấp nhận giá vé mình đưa rà là hợp lý. Khách hàng lẻ cho đại lý cấp 2 coi như thua, đòi hỏi 1 ngày phải bán được khoảng 10 -15 vé lẻ, nhưng tỉ lệ là 100 cuộc gọi mới bán được 10-15 vé, bạn nên tin điều này vì bạn là người Việt Nam. Tức là để có 400 vé / tháng trên thì sẽ có khoảng 3-4,000 cuộc gọi 1 tháng, một con số ấn tượng cho đại lý vé máy bay cấp 2. Tất nhiên những con số trên chỉ là tượng trưng, vì rất có thể 1 cuộc gọi bán bán được 10 vé, nhưng cũng lưu ý rằng cũng có ngày bạn chẳng bán được vé nào.

Đặc biệt, bạn sẽ rất vui mừng khi nhận được cuộc gọi yêu cầu báo giá vé máy bay cho khách đoàn khoảng 20 người. Nhưng đừng vội mừng, vì khách đoàn thì họ sẽ hỏi rất nhiều đại lý để báo giá, và khách đoàn không hề rẻ hơn khách lẻ. Ví dụ 1 chuyến bay chỉ còn 10 chỗ, thì làm sao nhét thêm 10 người vào, đành tìm hãng khác, hoặc sắp xếp sao cho 20 khách này bay cùng giờ của các hãng khác nhau là tốt nhất, nhưng cũng chính vì lẽ đó, giá vé không phải như nhau.

...

Trên đây là những kinh nghiệm dành cho người bắt đầu kinh doanh vé máy bay để duy trì hoạt động của đại lý. Cuối cùng, chúc bạn thành công.

duy trì kinh doanh vé máy bay cấp 2